Nâng cấp TK VIP tải tài liệu không giới hạn và tắt QC

Tìm hiểu Vùng đất Nam Bộ - Tập 4: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX (Phần 2)

Bộ sách về vùng đất Nam Bộ nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế. » Xem thêm

02-08-2022 28 8
QUẢNG CÁO

Tóm tắt nội dung tài liệu

  1. PHẦN THỨ HAI MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG, XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH VIỆT NAM THỐNG NHẤT TỪ ĐẦU THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1862
  2. 219 Chương V PHÁT TRIỂN KINH TẾ, ỔN ĐỊNH XÃ HỘI, TĂNG CƯỜNG CÁC NGUỒN LỰC BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM I- CẢI TẠO VÀ ĐÀO MỚI HỆ THỐNG KÊNH RẠCH Ở VÙNG BIÊN GIỚI TÂY NAM Cảnh quan thiên nhiên Nam Bộ nói chung, vùng biên giới Tây Nam nói riêng khá nổi bật với sự kết hợp hài hòa của mạng lưới sông ngòi thiên nhiên và kênh đào nhân tạo. Các kênh đào Bảo Định, Thoại Hà, Vĩnh Tế, Vĩnh An… do nhiều thế hệ di dân tạo tác một cách kiên trì, không mệt mỏi, đã nối kết các sông rạch thiên tạo và nhân tạo thành một hệ thống sông nước chằng chịt, dầy đặc, hài hòa và tiện dụng ở trên vùng đất được mệnh danh là xứ sở sông nước này. Khi người Việt đến khai phá vùng đất Nam Bộ, đứng trước những điều kiện tự nhiên sông nước đầy thuận lợi cho việc vỡ hoang, mở rộng sản xuất, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ đe dọa từ thiên nhiên, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác đã không ngừng ra sức cải tạo, nạo vét, khai mương, đào kênh, bổ sung cho những khiếm khuyết của thiên nhiên, để cho hệ thống sông ngòi Nam Bộ hiệu quả hơn. Công cuộc này đã tạo ra hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng, đồng thời cũng hình thành những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán
  3. 220 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX tại vùng đất Nam Bộ, tăng cường sức mạnh về kinh tế và giao thông cho hệ thống sông ngòi vốn đã rất phong phú. Bởi vậy, mặc dù hệ thống kênh rạch tự nhiên ở Nam Bộ nói chung, vùng biên giới Tây Nam nói riêng, vốn đã rất chằng chịt, những di dân đến khai phá mảnh đất này đã sớm chú ý đến việc đào kênh. Thật ra, không đợi đến khi người Việt vào khai phá, miền Tây Nam Bộ mới xuất hiện các dòng kênh nhân tạo. Từ rất xa xưa, trong thời kỳ văn hóa Óc Eo, cư dân Phù Nam đã rất giỏi đào kênh, phát triển sản xuất nông nghiệp và mở rộng giao lưu buôn bán. Các nhà Khảo cổ học đã phát hiện ra hàng trăm kilômét kênh đào từ Ba Thê - Óc Eo tỏa ra các hướng. Tuyến thứ nhất, từ Ba Thê - Óc Eo chạy thẳng đến Angkor Borei. Tuyến thứ hai, từ Ba Thê - Óc Eo đến Nền Chùa - được coi là tiền cảng của cảng thị Óc Eo. Đây là tuyến kênh đi ra biển. Bám sát dọc hai bên bờ kênh này có nhiều dấu tích cư trú của người Phù Nam. Tuyến thứ ba, nối liền Ba Thê - Óc Eo với cụm di tích Đá Nổi - vốn là những đền đài quan trọng. Đây vừa là dấu tích của những công trình thủy lợi bề thế, vừa là hình bóng còn lại của các tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền những hệ thống cảng, đô thị cổ, các trung tâm kinh tế, hành chính và tôn giáo lớn nhất, quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam. Ban đầu, có thể là học được truyền thống của người Phù Nam, khi mới chân ướt chân ráo đặt chân tới vùng đất Nam Bộ, người Việt di cư đã bắt tay ngay vào việc đào kênh. Người mở đầu truyền thống đào kênh khai hoang ở miền biên giới Tây Nam này chính là người khai mở hệ thống hành chính Nam Bộ - Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc là Nguyễn Hữu Kính). Năm 1700, sau khi hành quân từ Chân Lạp trở về, ông đã tổ chức cho binh dân nạo vét lòng sông và mở mang đất đai ở khu vực Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang). Nhiều tướng lĩnh, quan chức của chúa Nguyễn theo gương Nguyễn Hữu Cảnh cũng đều tranh thủ triển khai công việc khai hoang và đào kênh mỗi khi có điều kiện, nhưng thường là quy mô nhỏ. Phải đến thời các vua nhà Nguyễn thì công cuộc đào kênh mới
  4. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 221 thực sự trở thành một chiến lược phát triển tổng thể khu vực Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ. Ngay từ những năm tháng đầu tiên xây dựng Vương triều, các vua đầu của nhà Nguyễn, trên danh nghĩa nhà nước, đã trực tiếp đầu tư, tổ chức trên quy mô lớn, thậm chí là rất lớn, các hoạt động đào kênh. Chính hệ thống kênh đào của nhà Nguyễn là nền tảng lớn và cơ bản mà sau đó được tiếp tục phát triển và duy trì cho đến ngày nay. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, đến thời Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác trị thủy và làm thủy lợi. Trong bối cảnh đất nước thống nhất và tương đối ổn định, các vua đầu triều Nguyễn có điều kiện thực hiện những công cuộc trị thủy to lớn và toàn diện1. Dưới triều vua Gia Long và Minh Mệnh, một khối lượng lớn các công trình trị thủy kỳ vĩ đã được tiến hành, đặc biệt là các công trình đào đắp và nạo vét kênh rạch khai khẩn vùng đất Nam Bộ, như đào kênh Cái Cỏ (1815), đào kênh Thoại Hà (1817), nạo vét, cải tạo kênh Bảo Định (1819), đào kênh Vĩnh Tế (1820-1824), đào kênh Trà Cú (1829), đào kênh Vĩnh An (1843-1844)2... 1. Kênh Bảo Định Một trong những con kênh đào đầu tiên và có vai trò chiến lược quan trọng trên vùng đất Nam Bộ trong công cuộc Nam tiến của người Việt có thể kể đến chính là kênh Bảo Định (Tiền Giang). Thoạt đầu, dòng kênh này được lấy tên là kênh Vũng Gù. Đây là một công trình nhân tạo nối liền rạch Vũng Gù và sông Mỹ Tho, giải quyết vấn đề tưới tiêu cho những cánh đồng trũng nước ở khu vực này. 1. Xem Phan Khánh (Chủ biên): Sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, t.1, tr.267. 2. Xem Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (Đồng chủ biên): Địa chí Long An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr.99.
  5. 222 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Kênh Bảo Định (Ảnh vệ tinh ngày 15-9-2008) (Nguồn: Tôn Nữ Quỳnh Trân: “Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ”, bài in trong Kỷ yếu Hội thảo Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Sđd, tr.210). Thực ra, kênh Vũng Gù đã được đào từ năm 1705, trước hết vì mục đích quân sự khi Nguyễn Cửu Vân đưa quân đến trấn giữ vùng này. Khi đó, Nguyễn Cửu Vân đã huy động sức quân đào nối liền rạch Vũng Gù và sông Mỹ Tho, tạo ra một con hào chiến lược, đồng thời còn dùng làm đường giao thông1. Qua thời gian, kênh bị bùn đất bồi đắp, dòng nước chảy không thông, khiến cho việc đi lại trên dòng kênh này ngày càng khó khăn, trở ngại. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết: “đường thủy từ đông sang tây rất xa, cho nên đến Vọng Thê 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.111.
  6. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 223 (tục gọi là Thang Trông, vì là ban đầu dựng thang trông ở đó để xem xét đo đạc, nên mới gọi tên như thế), cùng nước thủy triều giao hội, tức là chỗ giáp nước, lênh đênh lơ lửng, nước không có thể chảy mạnh, lại có nhiều chỗ quanh co nhỏ hẹp, cho nên bùn cỏ chứa chất, ngày thêm cạn lấp”1. Tấm bia Phụng khai tân cảng ký (còn gọi là bia đào kênh Bảo Định) lập năm 1819 cũng ghi: “Đường sông này vốn có nhiều khúc quanh co, nhiều chỗ sâu cạn, nên ghe thuyền các loại khó đi lại”2. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng cho biết: “Sông này nhiều chỗ quanh co nhỏ hẹp, mỗi ngày một nông cạn dần”3. Trước tình trạng đó, vào năm 1819, vua Gia Long ra lệnh đào vét và mở rộng con kênh này, từ Vọng Thê (tức Thang Trông) đến Húc Đồng (tức Hóc Đùn) - bến Mỹ Tho dài 40,5 dặm (khoảng 14 km). Đây thực sự là một công trình to lớn. Vua Gia Long đã cử 3 vị quan cao cấp của Gia Định thành và 2 vị quan đứng đầu trấn Định Tường cùng tham gia chỉ huy. Trong đó, Gia Định thành Phó tổng trấn, Thị trung Tả thống chế, Lý Văn hầu Huỳnh Công Lý có trách nhiệm chỉ huy toàn bộ công trình. Phụ tá cho Huỳnh Công Lý ở Gia Định thành có Hiệp tổng trấn Lại bộ thượng thư An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức và Tổng đốc Chưởng tiền quân, Bình Tây tướng quân, Đức quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Về trấn Định Tường có Trấn thủ Định Tường, Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong trực tiếp chỉ huy dân phu tại công trình, và Chưởng cơ Lãnh binh, Nhiệm Tín hầu (chưa rõ họ, tên) có nhiệm vụ huy động dân phu4. Như vậy, người trực tiếp chỉ huy công trình đào vét quy mô này là Nguyễn Văn Phong, Trấn thủ trấn Định Tường. Nhân lực để đào vét kênh Bảo Định lên đến gần 10.000 người. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức - một trong các quan 1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.45. 2. Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX”, bài in trong Nam Bộ - Đất và Người, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, t.4, 2008, tr.419. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.112. 4. Xem Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX”, bài in trong Nam Bộ - Đất và Người, Sđd, tr.419.
  7. 224 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX lại cao cấp của Gia Định thành tham gia chỉ huy công trình này, cho biết: “đem dân phu của trấn 9.679 người (…), chia làm ba phiên thay nhau mà khơi đào”1. Sách Đại Nam nhất thống chí đưa ra con số 9.000 dân phu tham gia đào kênh2. Bia Phụng khai tân cảng ký (tức là bia đào kênh Bảo Định) cho biết số lượng dân phu tham gia đào kênh là 3.225 người3. Như vậy, toàn bộ 9.679 dân phu được chia làm 3 phiên, mỗi phiên khoảng 3.225 người, lần lượt thay nhau đào vét. Mỗi nhân lực làm việc tại công trường được cấp mỗi tháng 1 quan tiền và 1 phương gạo4. Công việc chính của dân phu là nạo vét, mở rộng tuyến kênh đã có và đào sửa cho thẳng những đoạn kênh khúc khuỷu. Sách Gia Định thành thông chí cho biết: “hoặc nhân đường cũ cắt xén đi mà đào cho sâu rộng thêm, hoặc đào kênh mới nối liền vào”5. Bia Phụng khai tân cảng ký (tức là bia đào kênh Bảo Định) cũng ghi rằng: “hoặc đào thẳng qua ruộng bằng phẳng, hoặc sửa những chỗ nông sâu”6. Công trình cải tạo kênh được tiến hành trong khoảng hơn 3 tháng; khởi công từ ngày 28 tháng Giêng năm Kỷ Mão (tức ngày 23-2-1819) và kết thúc vào ngày mồng 4 tháng 4 nhuận năm Kỷ Mão (tức ngày 28-5- 1819) theo sách Gia Định thành thông chí7, hoặc ngày 10 tháng 4 nhuận năm Kỷ Mão (tức ngày 3-6-1819) theo ghi chép trong bia Phụng khai tân cảng ký 8. Khi hoàn thành, kênh có bề ngang 15 tầm (khoảng 32 m), sâu 9 thước (khoảng 4 m), hai bên bờ kênh có đường quan đắp đất, rộng 6 tầm (khoảng 13 m)9. 1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.112. 3. Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX”, bài in trong Nam Bộ - Đất và Người, Sđd, tr.419-420. 4. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 5. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 6. Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX” trong Nam Bộ - Đất và Người, Sđd, tr.420. 7. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 8. Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX”, bài in trong Nam Bộ - Đất và Người, Sđd, tr.420. 9. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46.
  8. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 225 Sau khi đào vét xong, vua Gia Long đặt tên cho con kênh là Bảo Định1. Sự kiện đào kênh Bảo Định được khắc trên bia đá dựng tại Vọng Thê (tức Thang Trông) để “truyền mãi về sau”. Dưới thời Thiệu Trị (1841-1847), kênh Bảo Định được đổi tên là An Định, rồi Trí Tường2, nhưng dân gian vẫn quen gọi là kênh Bảo Định hay kênh Trạm (vì có các trạm sông để chuyển công văn của triều đình, nên sau này, người Pháp gọi là kênh Bưu Điện - Arroyo de la Poste)3. Từ khi được đào vét vào năm 1819, kênh Bảo Định trở lại là một con đường thuỷ quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, văn thư và nhất là lúa gạo… từ đồng bằng Sông Cửu Long về Sài Gòn, để từ đó có thể tiếp tục chuyển đi các nơi khác. Từ mục đích ban đầu nhằm phục vụ hoạt động quân sự, kênh Bảo Định đã nối liền sông Vàm Cỏ Tây ở phía bắc và sông Mỹ Tho ở phía nam, ngoài ra còn thông lưu với 19 con rạch tự nhiên ở phía tây và phía đông, tạo nên một hệ thống kênh rạch tương đối dày dặc4. Bởi vậy, kênh này có tác dụng và giá trị to lớn về thủy lợi, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và là tuyến giao thông đường thủy quan trọng đối với những vùng đất mà nó chạy qua (hiện nay thuộc địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An). Chính vì vậy, sách Gia Định thành thông chí đã ghi: “Người ta đều khen là lợi lớn cho mọi người”5 và sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “nhân dân lấy làm tiện lợi”6. 1. Tôn Nữ Quỳnh Trân cho rằng con kênh này được vua Gia Long đặt tên là Bảo Định Giang. (Xem Tôn Nữ Quỳnh Trân: Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ, Sđd, tr.209). Xem thêm Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.112. 3. http://www.tiengiang.gov.vn. Dẫn theo Tôn Nữ Quỳnh Trân: Kênh đào thời Nguyễn ở Nam Bộ, Sđd, tr.209. 4. Xem Nguyễn Phúc Nghiệp: “Kênh đào ở Tiền Giang trong các thế kỷ XVIII-XIX”, bài in trong Nam Bộ - Đất và Người, Sđd, tr.420. 5. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.46. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.112.
  9. 226 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX 2. Kênh Thoại Hà Một con kênh chiến lược khác đáng chú ý đã được đào mới trong nửa đầu thế kỷ XIX ở vùng biên giới Tây Nam là kênh Thoại Hà. Kênh này còn được gọi là kênh Rạch Giá - Long Xuyên, vì đây là đường nước dài đến hơn 50 km nối rạch Long Xuyên, đi qua núi Sập, hợp với sông Kiên của Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Với con kênh đào này, đường nước được nối thông từ sông Hậu cho đến biển Tây. Con kênh được đào vào năm 1817 và cũng là con kênh đào dài đầu tiên được thực hiện dưới triều Nguyễn. Lúc đó, sau khi đã xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền thống nhất trên toàn quốc, triều đình Huế dưới thời vua Gia Long đã có điều kiện quan tâm hơn đến vùng đất Gia Định, chủ trương dùng biện pháp khẩn hoang như một giải pháp trọng yếu để an dân và ổn định biên cương, trong đó đặc biệt coi trọng vùng đất biên giới phía Tây Nam, bao gồm đất Hà Tiên và Tầm Phong Long xưa trong chiến lược khai hoang và an ninh quốc phòng. Để thực hiện chủ trương này, năm 1817, vua Gia Long đã cử Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại1 (1762-1829) - một khai quốc công thần của triều Nguyễn - làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Hơn ai hết, Thoại Ngọc Hầu nhận rõ tầm quan trọng của vùng Châu Đốc Tân Cương về kinh tế và quốc phòng, lại nhận thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn. Mọi hoạt động giao thông, trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) với Châu Đốc, từ Vĩnh Thanh đến các địa phương khác, đều phải đi vòng đường biển rất bất tiện, khiến ông gần như bị cắt lìa với các địa phương khác. Bởi vậy, Thoại Ngọc Hầu đã tâu trình xin đào vét sông Ba Lạch (Tam Khê) vốn có tầm chiến lược về quân sự, nhưng “bùn cỏ ủng tắc, thuyền bè không đi lại được”. Như vậy, việc đào kênh Thoại Hà là để đáp ứng nhu cầu bức bách về giao thông tại đây. Thêm nữa, con kênh cũng sẽ tháo nước của sông Hậu ra biển Rạch Giá vào mùa nước nổi, giúp cho vùng này bớt ngập lụt. 1. Có tài liệu ghi là Nguyễn Văn Thụy.
  10. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 227 Được sự đồng ý của vua Gia Long, tháng 11 năm Đinh Sửu (1817), Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại “đem đinh phu Kinh và Thổ 1.500 người, nhà nước cấp tiền gạo cho, bắt chém chặt khơi thông, bề ngang 20 tầm, bề sâu 4 thước, một tháng làm xong bèn thông với đường sông Kiên Giang, dân Kinh, dân Di (Miên) đều được lợi cả. Vua cho tên sông là Thoại Hà để tỏ lòng biết công lao của kẻ bề tôi”1. Sách Đại Nam thực lục cho biết: Sông cách trấn lỵ Vĩnh Thanh (thành phố Vĩnh Long hiện nay) 214 dặm. Phía Tây 4 dặm rưỡi đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng, phía tây nam 59 dặm đến sông Lạc Dục, từ đấy về nam 57 dặm rưỡi đến Song Khê... Vua sai trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu sửa sang đường sông, điều động dân Hán (Việt), dân Di (Miên) 1.500 người để vét. Hơn một tháng làm xong, chiều rộng hơn 10 trượng, chiều sâu 18 thước2. Các số liệu đo đạc còn để lại cho biết trong quá trình đào kênh này, có nhiều đoạn là “noi theo lối cũ” để nạo vét, cho nên cũng ít phải đào đắp. Nơi thực sự phải đào mới là từ lạch Lạc Duyên ở Thanh Lung đến lạch Song ở Thanh Lung dài 6.247,5 trượng, chia làm 2 phần. Một phần từ lạch Lạc Duyên ở Thanh Lung trở vào trong, lấy 1.000 người dân trấn Vĩnh Thanh để làm. Một phần từ lạch Song ở Thanh Lung trở vào trong thì bắt dân Kiên Giang và Cao Man gồm 500 người để làm3. Như vậy, Thoại Ngọc Hầu đã huy động dân binh đào kênh nối liền sông Hậu ở Long Xuyên với vịnh Rạch Giá (Kiên Giang). Nhân lực đào kênh là khoảng 1.500 người. Trong một tháng, việc đào kênh đã hoàn thành. Con kênh có bề ngang 51 m và dài hơn 30 km. Khi hoàn thành kênh, nhờ nguồn nước ngọt dồi dào, việc đi lại, giao thương thuận lợi nên vùng Châu Đốc Tân Cương trở nên có sức thu hút, hấp dẫn đối với dân nghèo khẩn hoang. Kênh Thoại Hà còn đóng vai trò 1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.59. Xem thêm Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.209. 2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, t.4, tr.335. 3. Theo Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, t.13, tr.209.
  11. 228 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX quan trọng trong việc tháo một phần nước lụt của sông Hậu ra biển. Với ý nghĩa này, kênh Thoại Hà (còn có tên kênh Tam Khê, kênh Đông Xuyên hay Đông Xuyên Cảng đạo) nối liền Thoại Sơn (An Giang) với Rạch Giá (Kiên Giang) được xem là công trình thoát lũ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Để ghi nhớ công lao của Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long lấy tên của ông đặt cho con kênh mới mà sách sử còn gọi là sông Thoại Hà hoặc Thụy Hà. Ngọn núi Sập cạnh đó cũng được đổi tên thành Thoại Sơn1. 3. Kênh Vĩnh Tế Trong hệ thống kênh rạch được đào dưới triều Nguyễn ở vùng biên giới Tây Nam còn có một kênh rất quan trọng là kênh Vĩnh Tế, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Kênh Vĩnh Tế được chính thức khởi công vào giữa tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) (lúc đó đã là đầu năm 1820), sau một thời gian chuẩn bị khá lâu và kỹ lưỡng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của vua Gia Long với vùng biên viễn Tây Nam đất nước. Đây là một công trình vĩ đại do chính Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại thiết kế, huy động đến 80.000 người và phải làm gần 5 năm (1820-1824) mới hoàn thành. Kênh này còn là đường ranh giới giữa Việt Nam và Chân Lạp lúc đó. Ngay từ đầu năm Bính Tý (1816), vua Gia Long đã có kế hoạch đào con kênh nối liền Châu Đốc với Hà Tiên để củng cố khu vực Châu Đốc - một vùng hết sức trọng yếu ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Tháng 4 năm Bính Tý (1816), nhà vua giao nhiệm vụ sửa đồn Châu Đốc cho quan trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường. Trong việc sửa đồn Châu Đốc, Lưu Phước Tường và Nguyễn Đức Sĩ còn được giao việc đo đường đất từ Châu Đốc đến Hà Tiên rồi vẽ bản đồ đưa về triều đình Huế2. Đồn Châu Đốc được xây xong vào cuối năm Bính Tý (1816). Vào tháng 12 năm Bính Tý (1816), khi xem bản đồ Châu Đốc, vua Gia Long nói với các thị thần về ý định đào kênh của ông: “Đất này mở đường 1, 2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.335, 286.
  12. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 229 sông để đi thẳng đến Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn”1. Ông còn so sánh vị trí chiến lược của vùng Châu Đốc và Hà Tiên, cho rằng: “Châu Đốc - Hà Tiên bờ cõi không kém Bắc Thành”2. Tuy nhiên, lo ngại đây là vùng đất mới mở, đời sống nhân dân còn nhiều cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên, nên nhà vua chưa ra lệnh đào ngay con kênh này3. Trong chiếu gửi cho Lê Văn Duyệt về việc tiếp xúc với vua Chân Lạp là Nặc Chân vào tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), vua Gia Long cũng nhắc nhở: “… nếu Phiên vương đến thành Gia Định, ngươi nên đem mấy điều lợi ích về việc đào sông Châu Đốc, hiểu dụ cho họ, khiến họ phải trù nghĩ trước, hễ tiếp được chiếu văn, thời bắt quân dân phải đào ngay cho mau thành”4. Tiếp đó, khi sứ giả Chân Lạp đến Kinh đô Huế, vua Gia Long cũng truyền dụ rằng: “Ta sẽ đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, tuy là lợi cho nước mày, nhưng cũng lợi chung cho mấy người đi cày và mấy người đi buôn nữa. Về nói với vua mày phải hiểu ý ấy mới được”5. Từ năm Mậu Dần (1818), để trực tiếp chuẩn bị cho việc đào kênh, vua Gia Long ban sắc cho trấn Vĩnh Thanh phát giao bản đồ, làm các việc dọn cắt cỏ lau và tiến hành đào thí điểm một khúc sông dài 150 trượng, rộng 3 trượng, sâu 4 thước để chiết toán nhân công cụ thể xem mỗi người mỗi ngày có thể đào được bao nhiêu trượng thước6. Tiếp đó, triều đình Huế cử trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du đi đo đường sông 1. Quốc triều chính biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu Sử - Địa xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.96. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.317. 3. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.309; Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, t.13, tr.21. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.324. 5. Quốc triều chính biên toát yếu, Sđd, tr.99. 6. Xem Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, t.13, tr.209.
  13. 230 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Châu Đốc một lần nữa và vẽ bản đồ gửi về triều đình1. Qua thăm dò, vua Gia Long biết được rằng triều đình Chân Lạp cũng ủng hộ việc đào kênh này2. Mãi đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh và công việc được bắt đầu khởi công vào ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819). Trước khi khởi đào, vua Gia Long có lời dụ cho dân chúng Vĩnh Thanh, vừa động viên vừa chỉ rõ những lợi ích của việc đào kênh này: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”3. Như vậy, trước khi tiến hành đào kênh Vĩnh Tế, nhận thức được đây là một công trình lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược nhiều mặt, nên vua Gia Long đã cẩn thận chuẩn bị mọi mặt, từ nhân công, vật chất, kế hoạch thực hiện cho đến chuẩn bị dư luận và tranh thủ tình hình một cách chu đáo, cặn kẽ. Việc chỉ huy công trình đo đạc và đào con kênh đợt này được giao cho Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, lúc bấy giờ vừa mới hoàn thành công cuộc đào kênh Thoại Hà. Kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam - Chân Lạp, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc nối thẳng với sông Giang Thành (nay thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Việc đào kênh được tiến hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại cùng với hai người phụ tá là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831) và Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820). Về sau, công cuộc đào kênh còn có thêm Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt (1764-1832), Phó Tổng trấn Gia Định thành Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại góp sức. 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.386. 2. Xem Quốc triều chính biên toát yếu, Sđd, tr.104. 3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.4, tr.390.
  14. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 231 Khâu đo đạc được tiến hành hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Một đường kênh được vạch từ Châu Đốc đến sông Giang Thành, chia thành từng đoạn một. Mỗi đoạn đều được xác định chiều dài và lên danh sách tỷ mỷ. Ngoài ra, vua Gia Long còn muốn đào thêm một đoạn từ sông Hậu (Châu Đốc) kéo dài đến sông Tiền. Sách Đại Nam hội điển sự lệ còn ghi lại rõ kết quả đo đạc nhằm chuẩn bị cho ý tưởng đào kênh của vua Gia Long. Bảng 12: Số liệu đo đạc từ sông Tiền - Châu Đốc - Hà Tiên năm 1816 của triều Nguyễn Độ dài Stt Từ địa điểm Đến địa điểm (Trượng) 1 Đồn binh Châu Đốc Cù lao Cỏ Tiên 9.128 2 Phiếm Bắc Nam Răng Lạch Dài 11.687 Lạch nhỏ Sâm Tôn, 3 Xứ Cái Vừng Tiền Giang 3.520 Tiểu lạch Hậu Giang Hữu Hậu - phía bên hữu 4 Cửa Trác Ỷ Hâm 32.657 đồn Châu Đốc 5 Cửa Trác Ỷ Hâm Cửa Trà Bát 2.037,5 6 Cửa Trác Trà Bát Bến Cầm Long 2.104,5 7 Gò Trà Bích Trà Niên 774,5 8 Cửa bên Tầm Long Gò Trà Bích 660,5 9 Trà Niên Diệp Bà Đê 1.138,5 10 Diệp Bà Đê Chuông Song 2.291,5 11 Chuông Song Hạm Tháp 2.250,5 12 Hạm Tháp Lạch Cây Cờ 215,5 Chỗ cắm tiêu ở 13 Cửa Phiếm Dài 242,5 Lạch Cây Cờ (Nguồn: Cao Thanh Tân: Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.290-291).
  15. 232 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Kênh Vĩnh Tế đoạn qua thị xã Châu Đốc (Nguồn: Wikipedia) Sau khi việc đo đạc đã hoàn tất, công cuộc đào kênh đến giai đoạn phát cỏ, chặt cây và cắm tiêu theo sơ đồ đã vẽ. Để cho dòng kênh được thẳng, vào ban đêm, người ta đã đốt đuốc trên đầu những con sào rồi ngắm cho thẳng mà cắm. Để điều khiển những sào lửa, người ta cầm một “cây rọi” to đứng trên cao phất qua phất lại, ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí1. Công việc đào kênh được khởi công vào đúng ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819). Triều Nguyễn lấy 5.000 quân, dân trấn Vĩnh Thanh chia bổ cho mỗi phiên, hằng tháng thay đổi theo kỳ để khai đào, xuất phát từ phía sau đồn Châu Đốc kéo dài về phía Nam đến cửa Trác Ỷ Hâm. Đồng thời, 500 binh lính đang đồn trú tại đồn Uy Viễn và đồn 1. Xem Nguyễn Văn Hầu: Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Hương Sen xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.192.
  16. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 233 Châu Đốc cũng được trưng dụng chia theo phiên như dân phu. Ngoài ra, vua Gia Long còn yêu cầu vua nước Chân Lạp lấy 5.000 người dân bản địa do 100 viên quan người Chân Lạp trông coi, chia nhau khai đào đoạn từ phía Hà Tiên đi ngược lên, từ lạch Cây Cờ đến cửa Trác Trà Bát. Cửa Trác Trà Bát này nằm cách cửa Trác Ỷ Hâm 2.037 trượng. Binh dân người Việt được cấp mỗi người mỗi tháng 6 quan 5 tiền và 1 phương gạo. Binh dân người Chân Lạp mỗi người mỗi tháng được cấp 4 quan 5 tiền và 1 phương gạo. Mỗi phiên làm việc trong một tháng và hạn định 3 tháng thì hoàn tất công trình này1. Như vậy, ngay trong đợt đầu, triều Nguyễn đã huy động tổng cộng 10.500 lượt người thay nhau đào kênh từ ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến ngày 15 tháng 3 năm Canh Thìn (1820), trong đó có 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Chân Lạp2. Lúc đầu, kế hoạch đào kênh dự định trong 3 tháng thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, kênh phải đi qua nhiều đoạn đất cứng khó đào, lại có khi gặp phải thời tiết, khí hậu bất lợi nên có lúc công việc gián đoạn hoặc chậm chạp. Bởi vậy, trong đợt một mới chỉ đào được 3.224 trượng. Khi đó, ở Nam Kỳ bị dịch bệnh nặng nề nên triều đình Huế phải hoãn việc đào sông, tạm kết thúc đợt đào sông Vĩnh Tế đợt một3. Ngay lúc đó, con kênh mới khai đào còn chưa hoàn thành, đã được đặt tên là Vĩnh Tế. Vĩnh Tế là đặt theo tên của bà Châu Vĩnh Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Bà có nhiều công lao trong việc giúp chồng đôn đốc, động viên dân binh dốc sức đào vét kênh. Tiếp đó, vào tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1822), nhân việc quốc vương Chân Lạp đưa thư đến xin đem binh dân hợp sức tiếp tục đào sông, vua Minh Mệnh lập tức ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt lập kế hoạch huy động thêm nhiều dân binh, chia làm 3 phiên, 1. Xem Cao Thanh Tân: Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn, Sđd, tr.294. Xem thêm Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.58-59. 2, 3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.5, tr.83.
  17. 234 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX định đến đầu mùa xuân năm sau (1823) thì tiếp tục đào sông, dự kiến đến đầu mùa hè thì hoàn thành. Từ tháng 2 năm Quý Mùi (1823), triều Nguyễn tiếp tục việc đào kênh, điều động binh lính các “cơ quê” ở thành Gia Định, binh lính ở đồn Uy Viễn, dân phu các hiệu đồn điền cùng với dân phu 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên chia làm 3 phiên, 1 tháng thay đổi 1 lần. Nhân công bao gồm 35.000 người Việt, 10.000 người Chân Lạp, trong đó binh dân Việt cứ 5.000 người thì đặt 150 chức dịch; binh dân Chân Lạp cứ 5.000 người thì đặt 100 người đầu mục, ốc nha, bồn nha1. Tổng cộng nhân lực đào kênh đợt hai gồm khoảng 45.000 người, chia làm 3 phiên, mỗi tháng lần lượt thay đổi để có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Mỗi dân phu, gồm cả người Việt và người Chân Lạp, được lĩnh mỗi tháng 6 quan tiền và 1 phương gạo. Các dân phu đã tiến hành đào đắp bằng tay, với các dụng cụ hết sức thô sơ, hàng triệu m3 đất đá..., có khi còn phải thay nhau thi công suốt ngày đêm... Tương truyền, việc đào kênh rất vất vả, điều kiện lao động hết sức khó khăn với thời tiết khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí, nắng dãi mưa dầu, thú dữ rắn rết, ăn uống thiếu thốn... khiến cho số người bị chết, tai nạn, bệnh tật khá nhiều. Một số tài liệu cho biết con số người chết trong đợt đào sông này có lẽ lên đến 7.000 người2. Đồng thời với việc đào kênh Vĩnh Tế, ở Gia Định thành triều Nguyễn còn tổ chức việc lấy đá xây thành Gia Định. Dân chúng quá cực nhọc. Vua Minh Mệnh bèn cho ngừng việc xây thành Gia Định để chú trọng, tập trung hết mức cho việc đào con kênh lớn ở vùng biên giới Tây Nam. Việc thi công tiếp tục kéo dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 năm Quý Mùi (1823), đã đào được 10.500 trượng, chỉ còn hơn 1.700 trượng 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.6, tr.143; Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, t.13, tr.211. 2. Xem Nguyễn Phan Quang, Đặng Huy Vận: “Tìm hiểu chế độ lao dịch và binh dịch dưới triều Gia Long (1802-1819)”, bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 80, 1975, tr.16.
  18. PHẦN THỨ HAI: MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC KHAI HOANG... 235 (khoảng 3.392m). Tuy vậy khi đó trời đã sang hè, vua Minh Mệnh quyết định cho dân phu đào kênh được tạm nghỉ, dự định đến tháng 2 năm Giáp Thân (1824) sẽ đào tiếp đoạn còn lại. Trong đợt thứ hai này, việc đào sông đã tiêu phí hơn 515.200 quan tiền, hơn 99.400 phương gạo1. Từ tháng 2 năm Giáp Thân (1824), việc đào kênh Vĩnh Tế được tiếp tục. Đợt này, ngoài việc đào cho xong đoạn còn lại (khoảng 1.700 trượng), dân phu còn phải nới rộng thêm lòng kênh, từ 6 trượng đào rộng thành 15 trượng2. Công trình đoạn này được sự hỗ trợ tích cực của Phó Tổng trấn Gia Định là Trần Văn Năng. Con số binh dân được huy động, gồm cả người Việt và người Chân Lạp, lên đến hơn 24.700 lượt người, cách thức và quy chế đào kênh cũng tương tự như các lần trước3. Đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824), kênh Vĩnh Tế được đào xong, với chiều dài 44.412 tầm (khoảng 91 km), rộng 15 tầm (khoảng 40 m), sâu 6 thước (2,55 m)4. Kênh được bắt đầu đào từ phía sau bên hữu đồn Châu Đốc lên phía tây qua náo khẩu Ca Âm đến Kỳ Thọ (cũng gọi là Chi Thụ, tên tục là Cây Cầy hoặc Cây Kế, là nơi có cửa khẩu Giang Thành). Như vậy, trong 5 năm, các viên quan phụ trách đã huy động đến hơn 80.000 lượt binh dân tham gia đào kênh. Như vậy, ròng rã trong 5 năm, trải qua hai triều vua (Gia Long và Minh Mệnh), bằng những dụng cụ thô sơ (chủ yếu là cuốc, thuổng, sào tre, chày vồ, dây thừng...) và sức mạnh cơ bắp, binh dân Việt và Chân Lạp đã hoàn thành một công trình kỳ vĩ, khai thông dòng kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Hà Tiên dài gần 100km, lòng kênh rộng khoảng 40m, sâu 2-3m. Con kênh này vừa là đường giao thông thuỷ, đồng thời là hệ thống tưới tiêu. Từ đây, việc cơ động lực lượng, chuyển vận binh mã, 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.6, tr.179. 2. Xem Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, t.13, tr.212. 3. Xem Cao Thanh Tân: Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn, Sđd, tr.297. 4. Xem Lê Xuân Diệm: “Về kênh đào Vĩnh Tế xưa”, bài in trong Nguyễn Thế Nghĩa (Chủ biên): Những thành tựu nghiên cứu khoa học, Sđd, tr.380.
  19. 236 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX lương thảo từ Châu Đốc đến vịnh Xiêm La (Thái Lan) không phải đi vòng ra biển mỗi khi Hà Tiên, Rạch Giá bị xâm lăng bất ngờ. Việc khai thông kênh Vĩnh Tế góp phần ổn định tình hình an ninh biên giới. Vua Minh Mệnh cho rằng: “Đào con sông ấy là để trọn công trước (...) thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau”1. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng nhận xét: “Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”2. Ngoài ra, kênh Vĩnh Tế còn góp phần thau chua rửa phèn, đưa nước ngọt vào cho ruộng vườn tươi tốt, tạo điều kiện di dân khẩn hoang, mở rộng diện tích canh tác, lập làng lập ấp ở vùng cực Tây Nam Kỳ. Trong 5 năm đào kênh, có nhiều người đã hy sinh tính mạng của mình ngay trên dòng kênh lịch sử. Sau khi hoàn tất kênh đào Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu đã cho thu nhặt hài cốt các dân binh đã chết, vốn được chôn rải rác dọc theo con kênh, đưa về cải táng tại triền núi Sam. Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đã đích thân đứng ra chủ tế các cô hồn tử sĩ với bài văn tế “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kênh” (cũng gọi là Tế nghĩa trủng văn) với những lời thống thiết: “Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ, Khoác nhung y chống đỡ biên cương Bình Man máu nhuộm chiến trường, Bọc thây da ngựa gửi xương xứ này ... Nếu không gặp được ông Tây Bá Nắm xương khô tan rã khắp đồng Giờ ta vâng lệnh bệ rồng, Dời người an táng nằm chung chốn này ... Ơn đức rộng cho người chín suối, Được hưởng nhờ đền buổi gian lao”3. 1. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.7, tr.43. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.5, tr.207. 3. Dẫn theo Đinh Văn Liên: “Vai trò của kênh Vĩnh Tế trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang trong lịch sử”, bài in trong Nguyễn Thế Nghĩa (Chủ biên): Những thành tựu nghiên cứu khoa học, Sđd, tr.421-422.

 

TOP Download

Tài liệu đề nghị cho bạn:

popupslide2=2Array ( )